Đối với những ai vừa tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử, chắc chắn bạn sẽ có những lúc nhầm lẫn giữa các khái niệm Bitcoin là gì? Cách thức hoạt động của tiền điện tử như thế nào? Khái niệm Crypto và tiền ảo khác nhau ở điểm nào? Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của ngành tài sản kỹ thuật số, hiện nay có hơn 2.000 loại tiền ảo khác nhau và con số này vẫn liên tục tăng mỗi ngày. Do đó, nếu bạn là một người mới nghiên cứu về lĩnh vực này, Coinlympus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm, cách thức hoạt động cũng như các mẹo đầu tư ít rủi ro về tiền số.
Các ý chính trong bài viết:
- Tiền điện tử là tài sản kỹ thuật số được bảo mật thông tin giao dịch bằng mật mã dưới dạng kỹ thuật số, khiến cho việc làm giả hoặc chi tiêu gấp đôi gần như không thể xảy ra.
- Hầu hết các loại tiền điện tử đều hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain và không bị ảnh hưởng bởi giá trị của các tài sản giá trị như vàng, bạc.
- Đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới là Bitcoin (BTC).
Tiền điện tử là gì?
Tiền điện tử là tài sản kỹ thuật số (hay còn được gọi là tiền ảo, tiền số, tiền điện tử, …) được bảo mật bằng mật mã để bảo mật thông tin giao dịch dưới dạng kỹ thuật số, khiến cho việc làm giả hoặc chi tiêu gấp đôi gần như không thể xảy ra. Tiền ảo cũng là một loại tiền tệ phi tập trung và không có sự giám sát hoặc thao túng từ chính phủ.
Ngoài ra, tiền ảo cũng là một hình thức thanh toán có thể được trao đổi trực tuyến để giao dịch hàng hóa và các dịch vụ thông thường hoặc bạn cũng có thể dùng để đầu tư vào cổ phiếu, …
Cách thức hoạt động của tiền điện tử
Hầu hết các loại tiền điện tử đều hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain – một công nghệ phi tập trung trải rộng trên nhiều máy tính để ghi lại các giao dịch và có tính bảo mật rất cao.
Tiền điện tử không bị ảnh hưởng bởi giá trị của các tài sản giá trị như vàng, bạc. Nó cũng không được tạo ra bởi các chính phủ hoặc các tổ chức tài chính như các đồng fiat, mà bản thân tiền ảo sử dụng mạng lưới phân phối cho phép hệ thống giao dịch theo phương thức ngang hàng (peer-to-peer).
Với sự phát triển nhanh chóng và không ngừng, hiện nay BTC đã nhanh chóng trở thành một phương thức thanh toán tiềm năng cho người dùng. Đặc biệt là khi nó không phải chịu nhiều hạn chế và rủi ro như tiền fiat. Hơn nữa, bạn có thể tự kiểm soát tài sản của mình. Bên cạnh đó, giao dịch Bitcoin dù không hoàn toàn ẩn danh, nhưng chúng chỉ có thể được xác định bằng cách sử dụng một địa chỉ blockchain. Ngoài ra, như với nhiều hệ thống thanh toán trực tuyến, người dùng BTC có thể thanh toán tiền ở bất kỳ đâu mà không phải đến ngân hàng hoặc cửa hàng để mua sản phẩm.
Ưu điểm và nhược điểm của tiền điện tử
Ưu điểm
- Tránh lạm phát: Lạm phát là tình trạng đã khiến nhiều loại tiền tệ giảm giá trị theo thời gian. Hầu hết mọi loại coin tại thời điểm mới ra mắt đều được phát hành với một số lượng cố định (ví dụ chỉ có 21 triệu Bitcoin được phát hành trên thế giới). Vì vậy, khi nhu cầu tăng lên thì giá trị của đồng coin sẽ tăng theo kịp thị trường và về lâu dài sẽ ngăn chặn được lạm phát;
- Phi tập trung: Một ưu điểm chính của tiền điện tử là chúng chủ yếu được phân cấp. Việc phân quyền giúp giữ độc quyền tiền tệ tự do và được kiểm soát để không một tổ chức nào có thể xác định được dòng chảy và giá trị của coin, giúp tiền điện tử được ổn định và an toàn, khác với các loại tiền tệ fiat do chính phủ kiểm soát;
- Giao dịch nhanh chóng: Các giao dịch tiền điện tử cho dù là quốc tế hay nội địa đều diễn ra rất nhanh chóng;
- Chi phí giao dịch thấp: Một trong những ưu điểm chính của tiền điện tử là gửi tiền xuyên biên giới và nó đã loại bỏ sự cần thiết của các bên thứ ba như VISA để xác minh giao dịch. Do đó, phí giao dịch tiền ảo thường không đáng kể hoặc bằng 0;
- Bảo mật và riêng tư: Quyền riêng tư và bảo mật luôn là mối quan tâm lớn đối với tiền điện tử. Khi giao dịch, bạn không cần phải chia sẻ thông tin nhạy cảm như chi tiết ngân hàng hoặc địa chỉ cư trú. Hơn nữa, nhờ công nghệ Blockchain mà tiền điện tử được phân phối trên nhiều lĩnh vực kỹ thuật số. Vì vậy, hacker sẽ gặp khó khăn trong việc đánh cắp thông tin người dùng.
Nhược điểm
- Rủi ro mất mát: Nếu ổ cứng bị hỏng hoặc có virus tấn công làm hỏng bản ghi và tệp ví, bạn sẽ không thể khôi phục lại tài sản tiền điện tử. Do đó, nó có thể khiến một nhà đầu tư phá sản chỉ trong vài giây mà không có cách nào khắc phục;
- Tính biến động cao và khả năng thua lỗ lớn: Mặc dù phi tập trung nhưng tiền số vẫn được quản lý bởi một số tổ chức. Vì vậy, dòng chảy và số lượng của một coin trên thị trường vẫn được kiểm soát bởi những người tạo ra chúng và họ có thể thao túng đồng tiền để khiến nó có những biến động lớn;
- Các giao dịch bất hợp pháp: Vì tính riêng tư và bảo mật của các giao dịch tiền điện tử rất cao nên chính phủ khó có thể theo dõi bất kỳ người dùng nào theo địa chỉ ví hoặc dữ liệu của họ. Tiền ảo kể từ khi ra mắt đã được sử dụng như một phương thức thanh toán trong rất nhiều giao dịch bất hợp phát như mua bán ma tuý trên dark web;
- Không có chính sách hoàn lại tiền hoặc huỷ bỏ: Nếu có tranh chấp giữa các bên liên quan hoặc nếu bạn gửi nhầm tiền đến sai ví thì bạn sẽ mất số coin của mình.
Những đồng coin nổi bật
Thực trạng tiền điện tử tại Việt Nam
BTC được phát hành lần đầu tiên vào năm 2009, nhưng mãi tới những năm 2011, nó mới thu hút được sự chú ý tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Bitcoin vẫn còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người và chỉ dừng lại ở mức độ tìm kiếm. Đến cuối năm 2013, BTC đã chính thức tiếp cận với thị trường Việt Nam thông qua Bitcoin Vietnam và hợp tác với Bits of Gold – một công ty khởi nghiệp của Israel. Từ đó, Bitcoin đã phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên lúc này tiền điện tử vẫn còn là sự hoài nghi về tính hợp pháp.
Cho đến nay, cơn sốt tiền điện tử khiến đã ngày càng tăng cao tại Việt Nam và mọi người đã dần có một cái nhìn khác về tiền ảo. Nếu trong cơn sốt tăng giá của BTC vào năm 2017 khiến nhiều người tự hỏi liệu có nên mua Bitcoin không thì đến nay, đa số chúng ta thường hỏi nhau là “Đã mua Bitcoin chưa?”. Do đó, chúng ta có thể thấy được tiềm năng phát triển của nó dù tính pháp lý của tiền ảo vẫn là một nỗi lo lớn đối với nhiều người.
Tương lai của tiền điện tử tại Việt Nam
Mặc dù quy mô thị trường của tiền số tại Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ nhưng với độ “hot” trên thế giới cũng đã tác động không ít đến thị trường tiền điện tử tại Việt Nam. Theo một cuộc khảo sát gần đây, trong năm 2021, Việt Nam xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử nhiều nhất thế giới. Qua đó, chúng ta có thể thấy thị trường tiền điện tử tại Việt Nam đang xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Các loại tiền điện tử
Hiện nay, thị trường tiền điện tử đã có hơn 10.000 loại tiền ảo khác nhau và theo dự đoán, trong tương lai, con số này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy, để phân loại mã tiền điện tử một cách dễ dàng hơn, chúng thường được chia thành 2 nhóm chính, gồm:
- Coin và Token;
- Bitcoin và Altcoin.
Cách phân biệt các loại tiền điện tử
Coin và Token
Coin là đồng tiền ảo có thể hoạt động một cách đơn lẻ dựa trên một Blockchain riêng biệt của chính nó. Trong khi đó, token không hoạt động trên hệ thống Blockchain riêng mà phải dựa trên nền tảng Blockchain khác. Ngoài ra, giữa coin và token còn có một số điểm khác biệt như:
- Về mặt tính năng: Coin được sử dụng như một loại tiền tệ nhằm để trao đổi, lưu giữ giá trị và thực hiện các giao dịch và mỗi Blockchain chỉ có một loại coin duy nhất. Đối với Token, nó vẫn có những tính năng tương tự như coin nhưng chúng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng dự án;
- Về mặt kỹ thuật: Coin luôn yêu cầu ví riêng và phí giao dịch sẽ trừ thẳng vào coin đó. Token không yêu cầu sử dụng ví nhưng nó sử dụng nền tảng ví của coin và phí giao dịch sẽ trừ vào hệ thống.
Bitcoin và Altcoin
Bitcoin (BTC) là đồng tiền ảo xuất hiện đầu tiên trên thế giới. Chính vì sự thành công của BTC mà đã có nhiều đồng tiền mã hoá khác đã ra đời nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tất cả những coin và Token xuất hiện sau Bitcoin được gọi là Altcoin.

Ví dụ:
Bitcoin được phát hành vào năm 2009 bởi một (hoặc một nhóm) nhà phát triển ẩn danh tự xưng là Satoshi Nakamoto. BTC là đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới, có độ bảo mật rất cao, xuất hiện và phân chia dựa vào các thuật toán mà ai cũng có thể sở hữu thông qua việc đào coin. Bitcoin bị giới hạn về số lượng khai thác, dù muốn hay không thì chúng ta chỉ có thể đào được tối đa 21 triệu BTC.
Ethereum (ETH) ra mắt vào năm 2015, còn được gọi là Bitcoin 2.0. ETH là đồng tiền điện tử phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau Bitcoin, hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain và còn được ứng dụng vào nhiều thứ khác thông qua hợp đồng thông minh (smart contract).
Giao dịch và mua bán tiền ảo ở đâu?
Thông thường, thị trường tiền điện tử sẽ có 2 loại sàn, gồm Sàn tập trung (CEX) và sàn phi tập trung (DEX). Dù sự lựa chọn của bạn là sàn CEX hay DEX thì một lời khuyên dành cho bạn là hãy tạo tài khoản dù chưa có ý định đầu tư hay mua/bán.
Sàn tập trung được quản lý bởi một bên thứ 3 nhằm đứng ra kiểm soát làm cầu nối để trao đổi các tài sản crypto. Tất cả các tài sản tiền điện tử mà bạn nạp vào tài khoản trên CEX sẽ được quản lý và kiểm soát bởi công ty hoặc chủ sàn. Để có thể thực hiện giao dịch, bạn cần tạo tài khoản, thực hiện KYC để xác minh danh tính kỹ càng theo quy định của chính phủ.
Ví dụ: Sàn Remitano (sàn giao dịch lớn nhất Châu Á, hỗ trợ Swap Trading), Binance (sàn giao dịch lớn nhất thế giới, có Stablecoin riêng là Binance USD), …
Sàn phi tập trung hoạt động dưới cách thức của một sàn phi tập trung trên nền tảng Blockchain, cho phép bạn thực hiện các giao dịch mua bán và trao đổi coin ngay trên ví mà không cần phải chuyển lên sàn. Những gì cần làm là import ví vào sàn và chỉ khi người dùng cấp phép thì giao dịch mới diễn ra. Private key của ví sẽ do người dùng nắm giữ và không ai có thể truy cập vào kể cả sàn giao dịch.
Ví dụ: Sàn U Swap, Saber, MDEX, …
Cách lưu trữ tiền ảo
Cũng giống các loại tiền thông thường, tiền ảo cũng cần được lưu trữ trong ví. Thông thường sẽ có 3 loại ví được sử dụng, gồm ví nóng (hot wallet), ví lạnh (cold wallet) và ví sàn (Exchange Wallet).
Ví nóng
Ví nóng thường được lưu trữ trực tuyến thông qua các nền tảng cung cấp dịch vụ lưu trữ để tiền ảo có thể được chuyển đi một cách nhanh chóng và các giao dịch, thanh toán sẽ được thực hiện ngay lập tức.
Về cách thức hoạt động, ví nóng là một phần mềm miễn phí dùng để lưu trữ tiền ảo có thể cài đặt trên máy tính, điện thoại hoặc cài đặt dưới dạng Extension trên trình duyệt và đòi hỏi người dùng phải luôn kết nối với mạng internet. Ngoài ra, nó còn tích hợp những tính năng như swap trực tiếp trên ví mà không cần dùng tới laptop, tạo portfolio theo dõi danh mục đầu tư, lưu trữ được nhiều token khác nhau. Tuy nhiên, ví nóng thường có độ bảo mật thấp, dễ có nguy cơ bị tấn công và không thể khôi phục. Cần lưu ý rằng ví nóng sẽ không lưu trữ các thông tin Private Key trên các máy chủ nên người dùng sẽ tự quản lý tài sản của mình.
Ví lạnh
Ví lạnh là ví vật lý có thể cầm được trên tay, thường sẽ thiết kế như một chiếc USB nhỏ và chỉ có thể truy cập và giao dịch khi sở hữu thiết bị. Ví lạnh thường ở chế độ offline, đến khi cần thực hiện giao dịch thì mới kết nối với internet nên độ bảo mật sẽ cao hơn và thường không bị hacker hay virus tấn công. Tất cả các thông tin lưu trữ trong ví sẽ được mã hoá, bảo mật chìa khoá cho tất cả các loại tiền mà nó hỗ trợ.
Ví sàn
Ví sàn trên các sàn giao dịch cũng tương tự như ví nóng, nó cần phải liên tục kết nối với internet nên độ bảo mật vẫn sẽ không cao. Khi bạn mua tiền ảo trên một sàn giao dịch, nó sẽ lập tức được lưu trữ trong ví lưu trữ trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, người mua sẽ không được trực tiếp cầm Private Key nên sẽ có một số rủi ro như sàn scam hay đột ngột bị shutdown thì sẽ không rút tiền được.
Đánh giá tình hình thị trường crypto hiện nay
Từ năm 2017 cho đến năm 2021, thị trường crypto đã có nhiều sự thay đổi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, Bitcoin đã có mức giá dao động từ $3.858 USD đến $10,209. Sang năm 2021, BTC đã đạt giá trị tới mức cao kỷ lục là $64,863.10.
Ngoài ra, tư duy đầu tư của nhiều người mua/bán cũng có xu hướng thay đổi trong những năm gần đây. Các nhà đầu tư đã chuyển từ đầu cơ ngắn hạn sang dài hạn nhiều hơn. Số lượng máy ATM Bitcoin đã tăng gấp đôi kể từ năm 2020, sự gia tăng mạnh mẽ này đã thể hiện được nhu cầu ngày càng tăng đối với các tài sản tiền điện tử. Từ một thị trường ngách, tương lai tiền điện tử sẽ nhanh chóng phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la. Vì vậy, các sàn giao dịch phi tập trung được đánh giá là vượt trội hơn so với các sàn giao dịch tập trung về khối lượng giao dịch. Hơn nữa, một số quốc gia đã chính thức chấp nhận Bitcoin là một phương thức hợp pháp để thanh toán.
Riêng về Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng thu hút vốn đầu tư và đặc biệt có tài nguyên nhân sự và nhân lực kỹ thuật cao, đáp ứng được xu thế phát triển của Blockchain nói chung và tiền điện tử nói riêng. Nhưng vì chưa có khung pháp lý rõ ràng nên các quỹ đầu tư vẫn đang ngần ngại bỏ tiền vào các doanh nghiệp startup của thị trường tiền điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, chính phủ đã có cái nhìn tích cực hơn về Blockchain bằng cách cho phép thực hiện nghiên cứu thí điểm về công nghệ này.
Các lưu ý khi đầu tư vào tiền điện tử
Kiến thức trong Crypto rất lớn, vì thế bạn cần phải học hỏi mỗi ngày và hãy tham khảo thêm các ý kiến của những người đầu tư lâu năm chuyên nghiệp.
Ngoài ra, trong thị trường này luôn tồn tại rất nhiều hình thức lừa đảo, từ việc dụ người dùng tiết lộ Private Key cho đến những dự án scam làm mất tiền oan. Do đó, hãy luôn cẩn thận trước khi có ý định mua bán tài sản.
Lưu ý: Giao dịch tại nhà sẽ an toàn và bảo mật hơn nơi công cộng. Đổi mật khẩu của bộ định tuyến vì mật khẩu gốc thường được đặt giống nhau khiến đường truyền internet dễ bị xâm nhập.
Đặc biệt, bạn nên chọn những đồng tiền ảo có danh tiếng với độ bảo mật cao cũng như chọn các ví và sàn giao dịch uy tín. Trước khi mua token, hãy kiểm tra dự án là gì để biết các rủi ro có thể xảy ra khi mua token của dự án này. Cách tốt nhất là chọn giao dịch qua các kênh VPN được mã hoá, như vậy sẽ tạo thêm cho giao dịch một lớp bảo mật an toàn hơn.
Vì thị trường tiền điện tử tại Việt Nam vẫn chưa được đề xuất khung pháp lý rõ ràng nên nhà nước sẽ không giải quyết các vấn đề lừa đảo hoặc bị đánh cắp khi thực hiện các giao dịch tiền ảo.
Bên cạnh đó, một câu hỏi mà bất kỳ ai khi mới tham gia vào thị trường giao dịch crypto thường đặt ra là họ nên có số vốn đầu tư bao nhiêu. Tuy nhiên, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này vì tài chính của mỗi người là khác nhau. Việc đầu tư nào cũng có rủi ro, do đó, bạn cần sử dụng số tiền nhàn rỗi của bản thân để làm vốn đầu tư, vì nếu không may mất hết thì nó sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Một lời khuyên chân thành là đừng bị đánh lừa bởi những lời mời gọi góp vốn với những lợi nhuận khổng lồ vì không có thị trường đầu tư nào là dễ dàng cả.
Cuối cùng, bạn cần có một chiến lược đầu tư được đa dạng hoá. Nếu bạn đặt tất cả vốn vào một đồng tiền nhất định, bạn sẽ dễ gặp rủi ro hơn. Do đó, hãy đầu tư vào nhiều loại đồng tiền khác nhau để có thể sinh lời từ nhiều nguồn hoặc nếu lỗ thì cũng chỉ từ một đến hai nguồn.
Những cách đầu tư phổ biến
Tuỳ vào mức độ hiểu biết, mục đích và sự lựa chọn khác nhau mà bạn có thể chọn những cách đầu tư khác nhau, dưới đây là hai cách đầu tư phổ biến nhất trong thị trường tiền điện tử.
Trade coin
Đây là hình thức mua và bán liên tục và thường chỉ áp dụng đối với những đồng coin có tỷ giá giao động mạnh trong một khoảng thời gian ngắn. Nó đòi hỏi bạn phải có kiến thức về phân tích kỹ thuật, đọc biểu đồ, hiểu rõ thị trường và đặc biệt là phải có một tâm lý tốt. Hình thức đầu tư này khá khó đối với những nhà đầu tư mới.
Hold coin
Đây là một hình thức nắm giữ coin trong thời gian dài hạn để đem lại lợi nhuận. Bạn sẽ lựa chọn một loại coin mà theo bạn là nó có tiềm năng trong tương lai và bạn sẽ giữ nó trong khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm cho đến khi giá của đồng coin tăng lên đúng mức mà bạn mong muốn.
Hình thức đầu tư này thích hợp với những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn mong muốn có một nguồn thu nhập thêm từ đầu tư vào các loại tiền điện tử. Qua đó, bạn chỉ cần có kiến thức cơ bản về thị trường, bảng giá tiền điện tử để chọn được những đồng coin tốt, từ đó mua và giữ dài hạn, mong tăng giá trị trong tương lai.
Comments (No)