Sau Bitcoin (BTC) hiện đang giữ vị trí hàng đầu trên thị trường tiền ảo, Ethereum (ETH) là đồng coin tiếp theo đang có một vị thế về vốn hoá thị trường ấn tượng. ETH đang thu hút rất nhiều sự chú ý, không chỉ vì giá trị mà còn bởi các tính năng trong mạng lưới blockchain. Do đó, bài viết này sẽ giải đáp mọi thứ về định nghĩa, tính chất, cũng như so sánh ETH với BTC, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đồng coin đứng thứ hai trên thị trường tiền điện tử.
Ý chính cần nắm trong bài:
- Ethereum là một nền tảng dựa trên blockchain-based để chia sẻ các ứng dụng kinh doanh, dịch vụ tài chính và giải trí.
- Người dùng Ethereum phải trả phí để sử dụng dApps. Phí được gọi là “gas” bởi vì chúng thay đổi tuỳ thuộc vào lượng sức mạnh tính toán được yêu cầu.
- Ethereum có token riêng là Ether (ETH), đồng ETH hiện chỉ đứng sau Bitcoin về giá thị trường.
Ethereum là gì?
Ethereum là một nền tảng phần mềm mở dựa trên công nghệ blockchain thông qua việc sử dụng chức năng Hợp đồng thông minh (Smart Contract). Bên cạnh đó, Ethereum có thể thực hiện các giao dịch, hợp đồng mạng ngang hàng (P2P) thông qua tiền điện tử của riêng nó là Ether hoặc Ethereum. Không những thế, ETH còn sử dụng ngôn ngữ lập trình riêng, được gọi là Solidity.
Vì là một mạng lưới blockchain, Ethereum là một sổ cái công khai phi tập trung (Decentralized Public Ledger) để xác minh và ghi lại các giao dịch tiền điện tử. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể tạo, xuất bản, kiếm tiền, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng và sử dụng đồng Ether để thanh toán. Các ứng dụng phi tập trung trên nền tảng Ethereum được gọi là dApps (Decentralized Application).
Đặc biệt, mạng lưới phi tập trung (Decentralized Network) là một phần hấp dẫn của các loại tiền điện tử khác nói chung, và ETH nói riêng. Tại đây, người dùng có thể trao đổi coin mà không cần một bên trung gian trung ương như ngân hàng hay chính phủ. Hơn nữa, Ethereum cũng cho phép người dùng thực hiện các giao dịch gần như ẩn danh, ngay cả khi giao dịch được công khai trên blockchain.
Lịch sử Ethereum
Ý tưởng ra đời của ETH
ETH được đề cập lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2013 bởi một nhà lập trình – Vitalik Buterin. Mục tiêu ra đời của Ethereum là khắc phục được những nhược điểm của Bitcoin như phí thanh toán, thời gian thanh toán và khuyến khích khai thác thông qua các mining pool thay vì khai thác riêng lẻ như Bitcoin.
Khởi đầu của ETH
Vào cuối năm 2013, Vitalik Buterin đã mô tả ý tưởng phác thảo Ethereum trong whitepaper. Sau đó, ông đã gửi cho một vài người bạn và có vẻ như mọi việc đi theo hướng tích cực. Kết quả là, gần 30 người trong thời điểm đó đã tìm đến Vitalik để thảo luận về khái niệm này.
Vào tháng 1 năm 2014, dự án này đã công bố với đội ngũ nòng cốt bao gồm Vitalik Buterin, Mihai Alisie, Anthony Di lorio, Charles Hoskinson, Joe Lubin và Gavin Wood. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2014, Buterin và những nhà đồng sáng lập đã khởi động một chiến dịch tìm nguồn cung ứng cộng đồng, nơi mà họ bán Ether cho những người tham gia, và đã huy động được 18 triệu USD.
Sau hơn một năm xây dựng và phát triển, vào năm 2015, bản phát hành trực tiếp đầu tiên của Ethereum – Frontier (ra mắt sau whitepaper và yellowpaper) đã đánh dấu sự ra đời chính thức của Ethereum blockchain. Kể từ đó, nền tảng này đã phát triển nhanh chóng và thu hút được hàng trăm nhà phát triển tham gia.
Sự cố The DAO hack
DAO (Decentralized Autonomous Organizations) – các tổ chức tự trị phi tập trung được phát triển và lập trình bởi một nhóm đằng sau một startup khác tên là Slock.it. Mục đích của họ là xây dựng một công ty đầu tư mạo hiểm nhân tạo, cho phép các nhà đầu tư đưa ra quyết định thông qua các hợp đồng thông minh.
Trong năm 2016, dự án “The DAO” phát triển trên nền tảng Ethereum được ra mắt và gọi được khoản vốn kỷ lục vào thời điểm đó là 150 triệu USD từ các nhà tài trợ. Tuy nhiên, có một sự cố ngoài ý muốn xảy ra là sau khi các quỹ được huy động, The DAO bị tấn công bởi một hacker không rõ danh tính, đánh cắp Ether trị giá khoảng 50 triệu đô la vào thời điểm đó. Hacker đã kích hoạt lỗ hổng chia tách (split function) trong mã code của The DAO smart contract, từ đó nó cho phép hacker thành lập một “child DAO” thừ “The DAO” và chuyển tất cả số tiền vào ví của “child DAO”.
Mặc dù cuộc tấn công này đã thực hiện bằng một lỗ hổng kỹ thuật trong phần mềm DAO (chứ không phải là nền tảng Ethereum), nhưng các nhà phát triển và những người sáng lập Ethereum buộc phải đối mặt với mớ hỗn độn này.
Đứng trước tình cảnh đó, Vitalik đã có giải pháp thông qua bản đề xuất soft fork để ngăn chặn tất cả các giao dịch từ địa chỉ vé của “The DAO” và “child DAO”. Đồng thời kêu gọi các miner vẫn xác nhận giao dịch như bình thường và sẵn sàng cài đặt khi bản soft fork được thông qua.
Hard Fork Ethereum
Trước khi bản soft fork được thông qua, một vài thành viên trong cộng đồng đã phát hiện lỗi, khiến cho nền tảng ETH đối mặt với nguy cơ bị tấn công DoS (tấn công dịch vụ).
ETH buộc phải thực hiện hard fork để bảo vệ network
Vì vậy, để bảo vệ mạng lưới, ETH buộc phải thực hiện hard fork nhằm thay đổi các quy tắc, luật lệ đang được áp dụng trên blockchain của Ethereum, khiến cho các block, giao dịch được xác nhận bởi quy tắc cũ trở nên không hợp lệ. Đây là phương án cuối cùng để có thể lấy lại được khoảng tiền đã mất, bên cạnh đó có thể giúp cho mạng lưới Ethereum tránh khỏi nguy cơ bị tấn công DoS.
Tuy nhiên, hệ quả của hard fork Ethereum đã chia nền tảng này thành 2 blockchain là Ethereum và Ethereum Classic (ETC).
Cách hoạt động của Ethereum Blockchain
Blockchain của Ethereum cũng tương tự như các blockchain khác. Tuy nhiên, nó sử dụng máy ảo Ethereum (EVM). EVM là một phần mềm hoàn chỉnh Turing, có nhiệm vụ thực thi các tập lệnh trên một mạng máy tính phân tán và cho phép thực hiện, lưu trữ mọi thứ từ hợp đồng thông minh. Ngoài ra, ETH cũng cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng phi tập trung trên nền tảng của nó.
Bên cạnh đó, các giao dịch trong blockchain sử dụng mật mã để giữ cho mạng an toàn và xác minh các giao dịch. Miners sẽ sử dụng máy tính để khai thác, bằng cách giải các phương trình toán học phức tạp để xác nhận mỗi giao dịch trên network và thêm các block mới vào blockchain trung tâm của hệ thống. Bên cạnh đó, các miner sẽ được thưởng bằng token của Ethereum là Ether.
Thông tin chi tiết về Ethereum
Đa số mọi người hay gọi Ethereum là một token, nhưng bên cạnh đó nó còn là một nền tảng blockchain. Ether hay ETH Coin mới là đồng tiền điện tử chính thức của blockchain Ethereum. Đồng coin này sẽ được dùng để chi trả các khoản phí giao dịch và dịch vụ thanh toán trong mạng lưới Ethereum.
Giá ETH hôm nay
Tại thời điểm viết bài (25/10/2021), tỷ giá của ETH dao động trên dưới $4,072.75, với khối lượng giao dịch trong 24 giờ là $15,123,913,506.
Các bạn có thể theo dõi tỷ giá ETH mỗi ngày cũng như xem thông tin chi tiết về token metric của một dự án nào đó trên các trang web uy tín như Coinlympus, coinmarketcap.com, …
Các chỉ số chính của ETH
- Tên token: Ethereum;
- Mã tiền điện tử: ETH;
- Blockchain: Ethereum;
- Token tiêu chuẩn: ERC-20;
- Loại: Tiện ích;
- Nguồn cung cấp tối đa: Không giới hạn;
- Nguồn cung lưu hành: 118,068,284 ETH.
Initial Token Supply Distribution
Sự kiện phân phối token ban đầu của ETH do Ethereum Foundation quản lý (diễn ra từ 22/7/2014 đến 2/9/2014) đã bán được khoảng 60 triệu ETH (80% trong số 72 triệu ETH cung cấp ban đầu) cho công chúng.
Còn lại 12 triệu ETH (20% nguồn cung ban đầu) đã được phân bổ cho Quỹ Ethereum và những người đóng góp ETH ban đầu.
Token Sale
Quá trình bán ETH coin của Ethereum đã có những mức giá khác nhau theo từng thời điểm:
- Giá ban đầu được đặt là 2,000 ETH cho mỗi BTC;
- Cuối cùng là còn 1,337 ETH cho mỗi BTC.
Trong đợt bán này đã có 3,700 BTC được huy động trong 12 giờ đầu tiên và hơn 25,000 BTC đã được huy động trong 2 tuần đầu tiên. Kết thúc việc mua bán, quỹ Ethereum thu được hơn 31,000 BTC, tương đương với 18,3 triệu USD.
Token Use Case
Ngoài việc ETH được các nhà phát triển sử dụng để thúc đẩy các dự án trên mạng lưới Ethereum, ETH giống như một tài sản kỹ thuật số, thường được sử dụng để ứng dụng trong các hoạt động sau đây:
Tham gia vào ICO
ICO (đợt phát hành coin đầu tiên) là hình thức huy động vốn thông qua việc sử dụng các đồng tiền điện tử. Phương thức này phổ biến với các dự án chưa phát triển đầy đủ nền tảng blockchain, sản phẩm hoặc dịch vụ. Hình thức thanh toán của các dự án ICO thường thực hiện bằng BTC hoặc ETH (trong một số trường hợp tiền tệ fiat vẫn được chấp nhận).
Giao dịch ETH với các đồng coin khác trên sàn giao dịch
Khi có ví Ether, quá trình giao dịch Ethereum sẽ đơn giản hơn. Ngoài ra, người dùng cũng có thể giao dịch ETH để đổi lấy BTC hoặc các tài sản tiền điện tử khác như Litecoin, Dogecoin, … thông qua các sàn trao đổi tiền điện tử hoặc sàn giao dịch Ethereum.
Mua bán hàng hoá và dịch vụ
Ether cũng giống như Bitcoin, bạn có thể thực hiện những giao dịch mua bán hàng hoá và dịch vụ với những người có địa chỉ ví liên quan. Hơn nữa, Ethereum blockchain rất tốt trong việc tạo điều kiện cho các giao dịch ngang hàng (P2P). Đồng thời giá thành của ETH rẻ và nhanh hơn nhiều so với BTC.
Có thể đổi lấy tiền mặt (tiền fiat)
Những ai mới tham gia tìm hiểu về ETH có thể không biết rằng việc trao đổi ETH với các loại tiền tệ fiat là một quá trình khá đơn giản. Phổ biến nhất là thông qua một giao dịch trực tuyến được thiết lập. Ngoài ra, bạn có thể đổi ETH lấy tiền mặt thông qua giao dịch trên sàn mua bán tiền điện tử, giao dịch thông qua thẻ ghi nợ và trực tiếp giao dịch ngang hàng.
Token chuẩn của ETH
ERC (Ethereum Request for Comments) là một yêu cầu nhận xét của Ethereum. Đây là những tài liệu kỹ thuật phác thảo các tiêu chuẩn để lập trình trên ETH. Các bạn đừng nên nhầm lẫn ERC với đề xuất cải tiến Ethereum (EIP), vì EIP là những đề xuất cải tiến cho chính giao thức, còn ERC là mục đích thiết lập các quy ước giúp các ứng dụng và hợp đồng tương lai tương tác với nhau dễ dàng hơn.
ERC-20 là gì?
Được đề xuất bởi Vitalik Buterin và Fabian Vogelsteller vào năm 2015, ERC20 là một định dạng cho các token hoạt động trên Ethereum. Bằng cách làm theo phác thảo, các nhà phát triển không cần phải phát minh lại cấu trúc nào khác, thay vào đó họ có thể xây dựng trên một nền tảng đã được sử dụng trong toàn ngành.
Không giống như ETH, các token ERC20 được giữ bởi tài khoản. Các token này chỉ tồn tại trong một hợp đồng, giống như một cơ sở dữ liệu độc lập. Bên cạnh đó, ERC20 chỉ định các quy tắc cho các token như tên, ký hiệu, khả năng phân chia và giữ một danh sách thể hiện số dư của người dùng đến địa chỉ Ethereum của họ.
Ngoài ra, để tuân thủ ERC20, hợp đồng cần bao gồm 6 chức năng bắt buộc, là totalSupply, balanceOf, transfer, transferFrom, approve và allowance. Hơn nữa, bạn có thể chỉ định các chức năng tùy chọn, chẳng hạn name, symbol và decimal.
ERC-721 là gì?
ERC-721 là đề nghị cải tiến tiêu chuẩn số 721, được đề xuất bởi Dieter Shirley vào cuối năm 2017. Nó là một tiêu chuẩn token được nhiều lập trình viên thống nhất, tuân theo bởi tiêu chuẩn giúp cho việc viết code đơn giản và có thể tái sử dụng.
Một số ERC tiêu chuẩn khác
Ngoài ERC-20 và ERC-721, Ethereum còn phát triển vài ERC tiêu chuẩn khác mà bạn cần phải biết:
- ERC-223: Bản đề xuất này với mục tiêu sửa các vấn đề mà ERC20 token mắc phải. Hiện một số dự án ICO đã chuyển sang sử dụng chuẩn token ERC223, như Lendo, ProntaPay, …;
- ERC-777: Bản đề xuất này với mục tiêu cải tiến về bảo mật và cung cấp các tính năng bổ sung nâng cao so với các token khác. Dự án ICO tiên phong sử dụng ERC-777 token là ORCA;
- ERC-827: ERC-827 cho phép bạn chuyển giá trị và cả dữ liệu;
- ERC-948: Bản đề xuất này được thiết kế để kết nối các doanh nghiệp kinh doanh gói đăng ký với khách hàng.
So sánh Ethereum và Bitcoin
Đầu tiên, Ether và Bitcoin đều là những loại tiền ảo và kho lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, blockchain ETH giúp bạn có thể tạo và chạy các ứng dụng, hợp đồng thông minh và các giao dịch khác trên nền tảng. Ngược lại, Bitcoin không cung cấp các chức năng này, và nó chỉ được sử dụng như một loại tài sản lưu trữ giá trị.
Ngoài ra, Ethereum cũng xử lý các giao dịch nhanh hơn rất nhiều so với Bitcoin. Ở Bitcoin network, các block được xác thực 10 phút/lần. Trong khi các block mới được thực hiện trên Ethereum network là 12 giây/lần.
Hơn nữa, ETH không có giới hạn về số lượng token, trong khi BTC chỉ phát hành không quá 21 triệu BTC.
Các tổ chức của ETH
Có 3 tổ chức góp vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn bộ hệ sinh thái của Ethereum, bao gồm:
- Ethereum Foundation: Đây là tổ chức phi lợi nhuận, chịu trách nhiệm phát triển các tính năng trên blockchain Ethereum;
- Enterprise Ethereum Alliance: Đây là tổ chức chịu trách nhiệm thúc đẩy, mở rộng sử dụng công nghệ blockchain ETH cho tất cả các doanh nghiệp;
- Consensys: Đây là công ty có tầm quan trọng nhất đối với Ethereum nói riêng và crypto nói chung.
Lý do để đầu tư vào Ether
Từ cuối năm 2017 cho đến nay, ETH đã có sự phát triển vượt bậc. Giá trị của Ethereum có sự tăng trưởng rõ rệt lên gấp 40 lần so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, ngoài lý do về giá trị, còn có một số lý do cơ bản khác mà có thể bạn sẽ thấy tiện ích khi đầu tư vào Ether, như:
Phí giao dịch
Ether được dùng để trả phí giao dịch trong blockchain Ethereum. Phí này sẽ phụ thuộc vào các miner khai thác ETH trong nền tảng. Tuy nhiên, dù tổng chi phí giao dịch tăng, nó cũng không gây ảnh hưởng đến một dự án có giá trị hàng chục tỷ USD.
Phần thưởng khối
ETH là phần thưởng block trong Ethereum network. Hiện tại, phần thưởng là 2 ETH/block. Đây chính là điều khiến thu hút nhiều người tham gia khai thác ETH, từ đó làm tăng hashrate, dẫn đến mạng lưới Ethereum được đảm bảo an toàn. Ngoài ra, sau khi khai thác được Ether, các miner có thể bán ETH ra thị trường để thanh toán các chi phí sinh hoạt như điện, chi phí bảo trì máy, lương nhân viên, …
Bối cảnh hiện tại
Năm 2021 là năm mà thị trường tiền điện tử đã dần được thế giới công nhận hơn vì có một số quốc gia đã bắt đầu chấp nhận thanh toán dịch vụ bằng Bitcoin. Tất nhiên, đồng coin phổ biến sau Bitcoin là Ethereum. Vì vậy, đây cũng là một cơ sở vững chắc cho việc tăng trưởng của ETH.
Đặc biệt, Ether được ví như là nguồn gốc của DeFi, vì gần như các cái tên hàng đầu của DeFi đều sử dụng mạng lưới Ethereum. Nếu DeFi là công nghệ tương lai của thế giới, thì ETH sẽ là tài sản rất quan trọng vì những ứng dụng của nó.
Giao dịch và mua bán ETH ở đâu?
Hiện nay, có hai cách giao dịch Ethereum phổ biến, gồm:
- Mua bán Ether trên các sàn giao dịch tập trung (CEX), ví dụ như Binance, Remitano, Huobi, … và sàn phi tập trung (DEX), như Uniswap, Sushiswap, …
- Mua bán Ether thông qua trung gian (chợ đen) trên các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Telegram. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự tìm người có nhu cầu mua bán Ether và trực tiếp giao dịch với họ.
Hiện nay, cũng có khá nhiều người chọn hình thức giao dịch qua chợ đen vì sẽ không hoặc ít tốn phí. Tuy nhiên, bạn không nên giao dịch bằng hình thức này vì nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lừa đảo. Trong khi đó, sàn giao dịch cũng rất tiện lợi và nhanh chóng, quan trọng hơn hết là an toàn, mặc dù nhược điểm là sẽ mất phí giao dịch.
Các trang cập nhật tin tức Ethereum uy tín
Hiện nay với sự phát triển của tiền điện tử, đồng nghĩa với việc nhu cầu tìm hiểu của mọi người tăng lên. Vì vậy, có rất nhiều trang web được ra mắt nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đặc biệt là nếu bạn mới gia nhập thị trường tiền ảo, bạn nên tìm hiểu và cập nhật thông tin qua các trang web uy tín để tránh tối đa các rủi ro.
Một số trang web cung cấp thông tin uy tín nhất như Coinlympus, Binace Research, … Ngoài ra, các bạn có thể cập nhật thông tin về thị trường thông qua các trang mạng xã hội như Telegram hay Twitter, …
Lưu trữ Ether ở đâu?
Ví Ethereum
Ether cũng giống như các loại tiền tệ khác, bạn cần có một chiếc ví Ethereum để lưu trữ tài sản số. Ví ETH nhằm phục vụ cho việc cất giữ tài sản để trade coin trong tương lai.
Lựa chọn ví ETH phù hợp là điều quan trọng để lưu giữ tài sản
Địa chỉ ví Ethereum
Giống như số tài khoản ngân hàng, mỗi một ví ETH sẽ có một địa chỉ ví luôn bắt đầu với “0x”. Ngoài ra, ví ETH còn thêm các chức năng khác, như sử dụng để tạo và kích hoạt các hợp đồng thông minh.
Các loại ví phổ biến để lưu trữ Ethereum
Dưới đây là một số loại ví Ether uy tín, an toàn và tốt nhất hiện nay:
Ví lạnh (Cold Wallet)
Ví lạnh luôn là loại ví được đánh giá có mức bảo mật cao để lưu trữ các đồng coin. Nó có ưu điểm là không cần thiết phải kết nối với internet khi giao dịch, vì thế sẽ khó có thể bị đánh cắp. Ngoài ra, ví lạnh còn có các tính năng bảo mật như cài mã PIN, 2FA, cho phép sao lưu để khôi phục ví trong trường hợp mất ví thông qua cụm từ khôi phục (recovery phrase).
Tuy nhiên, ví lạnh không miễn phí. Bạn phải trả một số tiền để có thể mua được một chiếc ví lạnh. Bạn có thể tham khảo một số loại ví phổ biến như Ledger Nano S, Trezor, KeepKey, …
Ví nóng (Hot Wallet)
Ví nóng là các ứng dụng ví ETH trên điện thoại, như ImToken, Trust Wallet, Blockchain, Coinomi, … Hot wallet cần phải kết nối với internet để giao dịch, đồng nghĩa với việc bị hack có thể xảy ra. Tuy nhiên, tất cả các ví nóng đều cho phép người dùng kiểm soát tiền của mình, tức là nó không giữ private key. Ngoài ra, ví nóng còn cho phép sao lưu các khoản tiền thông qua cụm từ khôi phục và khá dễ dàng sử dụng cho những người dùng mới.
Ví ETH trên web online
Có thể nói, ví web online là loại ví phổ biến nhất được nhiều người sử dụng để lưu trữ tài sản tiền ảo, kể cả ETH. Mặc dù nó không phải là loại ví an toàn nhất, nhưng ví web online khá tiện lợi và nhanh chóng.
Các loại ví web uy tín cho các bạn tham khảo như Coinbase, Blockchain, …
Cách bảo mật Ether an toàn
Như đã đề cập, trong các ví lưu trữ ETH, ví lạnh là an toàn nhất và sẽ mất một khoảng tiền không nhỏ để bạn có thể sở hữu nó. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ chi phí để sở hữu cold wallet. Do đó, dưới đây là cách bạn có thể bảo mật ETH một cách an toàn thông qua hot wallet hoặc ví web.
Back up các thông tin quan trọng
Khi tạo ví, Ethereum sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin quan trọng như private key hay seed phrase. Vì vậy, các bạn nên ghi chép lại thông tin một cách cẩn thận và lưu giữ ở những nơi dễ nhớ. Ngoài ra, các bạn tuyệt đối không nên tiết lộ những thông tin này cho bất kỳ một ai.
Tránh các nền tảng scam
Đầu tiên, các bạn nên kiểm tra thật kỹ địa chỉ website các ví Ether trước khi đăng nhập. Bên cạnh đó, đừng nên bấm vào những quảng cáo không rõ nguồn trên google, tránh trường hợp bị những website giả mạo lợi dụng để tấn công vào máy tính của bạn. Ngoài ra, trước khi thực hiện giao dịch, hãy kiểm tra kỹ địa chỉ mà các bạn sắp chuyển tiền đến. Vì nếu sai, sẽ không có cách nào để hoàn trả lại được.
Tránh hack, virus, keylog
Khi đang sử dụng wifi công cộng ở các quán cafe hay khách sạn, các bạn không nên đăng nhập vào địa chỉ ví ETH. Cách tốt nhất là sử dụng mạng 4G để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, đừng nên bấm vào bất cứ một website, đường link lạ để tránh bị virus tấn công hay keylog. Hơn nữa, đừng quên sử dụng 2FA cho ứng dụng ví Ethereum để tăng cường lớp bảo mật.
Lời kết
Hy vọng bài viết này có thể cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về Ethereum. Từ đó, bạn có thể trang bị đủ kiến thức cần thiết trước khi quyết định đầu tư vào đồng coin đứng thứ hai trong thị trường tiền ảo. Do đó, hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng.
Comments (No)